Định hướng hoạt động khoa học công nghệ cho ngành công nghiệp Giấy giai đoạn mới

Trong giai đoạn 2015-2020, ngành Công nghiệp giấy Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước hiện đại hóa và nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sản lượng giấy các loại tăng trung bình trên 25 %/năm.

Cùng với tăng trưởng công nghiệp của cả nước, nhờ chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ, cũng như những thay đổi về cơ cấu doanh nghiệp sản xuất giấy của các nước trong khu vực, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu giấy tăng dần trong những năm gần đây. Đặc biệt, xuất khẩu giấy bao bì công nghiêp sang một số nước trong khu vực đã tăng trên 65%, đồng thời nhu cầu giấy tissue chất lượng cao tăng đều mỗi năm trong 5 năm gần đây, đã thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất với công suất tối đa. Nhiều dây chuyền hiện đại sản xuất giấy bao bì công nghiêp, giấy tissue đã đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương, tạo việc làm và diện mạo mới cho ngành công nghiệp giấy.

Cần có những định hướng cụ thể về KHCN và tầm nhìn xa hơn, đóng góp cho sự phát triển của ngành giấy, tiến tới ứng dụng những công nghệ then chốt, tạo động lực phát triển cho ngành. Ảnh: Internet
Bên cạnh sự hình thành những khu vực có ngành công nghiệp giấy hiện đại, với công nghệ thiết bị tiên tiến so với thế giới, như khu vực Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, công nghiệp giấy trong nước vẫn có phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm có quy mô vừa và nhỏ, dây chuyền sản xuất lạc hậu công suất <10.000 tấn/năm, nhưng chỉ chiếm khoảng 20% tổng công suất toàn ngành. Sự tồn tại của các doanh nghiệp vừa và nhỏ do những yếu tố lịch sử, phải đối mặt thách thức về bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, tuy nhiên nhóm các doanh nghiêp này đã và đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng với phân khúc chất lượng sản phẩm giá thấp, đồng thời gắn liền với đặc điểm phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Nhằm phát triển ngành công nghiệp giấy theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, đồng thời từng bước nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, ngày 15 tháng 3 năm 2021 Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã tổ chức Tọa đàm “Định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ ngành công nghiệp giấy giai đoạn 2021-2025, có xét tới năm 2030”. Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì Tọa đàm. Cùng tham gia Tọa đàm có các chuyên viên của Vụ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia và đại diện một số doanh nghiệp ngành Giấy.
Hội nghị đã diễn ra trong không khí sôi nổi, cởi mở và thẳng thắn. Các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ thực trạng ngành công nghiệp giấy Việt Nam hiện nay, những kết quả đã đạt được, những tồn tại hạn chế của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã thực hiện và đang triển khai. Từ đó chỉ ra những cơ hội, thách thức mà ngành Giấy sẽ gặp phải trong giai đoạn tới, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ một phần các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển đã được các đại biểu cùng bàn luận. Trên cơ sở đó, đề xuất các định hướng khoa học và công nghệ ứng dụng cho ngành công nghiệp Giấy Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, tính đến 2030.
Thực trạng ngành công nghiệp giấy Việt Nam
TS. Dương Xuân Diêu, chuyên viên theo dõi ngành đã trình bày báo cáo về thực trạng ngành công nghiệp giấy, đưa ra dự thảo các định hướng khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Về nguyên liệu và sản phẩm, các sản phẩm của ngành giấy Việt Nam khá đa dạng, gồm: giấy in, giấy viết, giấy tissue, giấy làm bao bì, giấy làm vàng mã, giấy chống thấm dầu mỡ, giấy cách điện, bột hóa tẩy trắng, bột giấy hiệu suất cao làm giấy bao bì, giấy vàng mã. Năm 2020, tổng sản lượng giấy đạt > 4,5 triệu tấn. Tổng năng lực sản xuất bột giấy của toàn ngành ước đạt 420.000 tấn, trong đó có 250.000 tấn bột hóa tẩy trắng và khoảng 180.000 tấn bột giấy hiệu suất cao. Nhập khẩu bột giấy khoảng 350.000 tấn, bao gồm bột giấy kraft cho sản xuất giấy bao bì, bột hóa tẩy trắng cho sản xuất giấy in, giấy viết và giấy tissue. Bên cạnh đó, ngành giấy vẫn nhập khẩu khoảng 3,0 triệu tấn giấy phế liệu mỗi năm cho sản xuất giấy bao bì công nghiệp. Năng lực thu gom giấy phế liệu trong nước đạt tỉ lệ khá cao, khoảng 2,0 triệu tấn.
Về công nghệ, toàn bộ bột hóa tẩy trắng chỉ do hai doanh nghiệp sản xuất, là Tổng công ty Giấy Việt Nam, áp dụng công nghệ nấu mẻ và tẩy trắng truyền thống cải tiến. Công ty CP Giấy An Hòa, với dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng công nghệ nấu liên tục và tẩy trắng không sử dụng clo nguyên tố (ECF). Bột giấy hiệu suất cao được sản xuất theo công nghệ kiềm lạnh và nấu mẻ sử dụng nồi nấu hình cầu, tại các doanh nghiệp nhỏ, phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi, trung du, chủ yếu sử dụng nguyên liệu đặc thù là tre nứa. Các cơ sở sản xuất này đa phần không có hệ thống thu hồi hóa chất và xử lý nước thải phù hợp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên đang dần bị thu hẹp.
Về năng lực sản xuất và cơ cấu doanh nghiệp, hiện nay năng lực sản xuất còn chưa đáp ứng được so với nhu cầu tiêu dùng. Năng lực sản xuất tăng mạnh chủ yếu đối với sản phẩm giấy bao bì. Sản lượng giấy do các doanh nghiệp FDI sản xuất chiếm > 50% tổng sản lượng giấy sản xuất trong nước. Trong khi đó năng lực sản xuất giấy tissue cũng tăng gần gấp đôi nhờ đầu tư mới và mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Thị trường xuất khẩu giấy, chủ yếu là các nước trong khu vực Châu Á, như Trung Quốc, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản,… Các mặt hàng xuất khẩu của ngành giấy có giá trị thấp, chủ yếu là giấy bao bì, giấy vàng mã, sổ ghi chép, giấy tissue. Mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp FDI với những dây chuyền sản xuất quy mô, công nghệ hiện đại, tân tiến, đã góp phần thúc đẩy đầu tư, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và tạo động lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 biểu hiện ở mọi lĩnh vực công nghiệp và đời sống, giá nguyên liệu bột giấy và giấy phế liệu vẫn tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2021, năm 2020 ngành công nghiệp Giấy Việt Nam lại có được những kết quả sản xuất kinh doanh ngoài mong đợi: sản lượng các sản phẩm giấy đạt công suất tối đa, tiêu thụ hàng hóa tốt và nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất hết quý 2/2021. Các Dự án đầu tư dây chuyền sản xuất mới đang gấp rút triển khai để khởi động, nhiều Dự án đầu tư mới và dài hạn trước đây chậm tiến độ nay đã khởi động trở lại, các Dự án đầu tư FDI mới khu vực miền Bắc với tổng mức đầu tư lên đến 1 tỉ USD tiếp tục được thúc đẩy. Những thay đổi rõ rệt cho thấy tiềm năng và triển vọng phát triển của ngành công nghiệp Giấy Việt Nam giai đoạn tới, trong xu hướng hiện đại hóa công nghiệp, hội nhập và tiếp nhận chuyển dịch đầu tư nước ngoài. Trong xu hướng phát triển này, ứng dụng những tiến bộ Khoa học Kỹ thuật cần được chú trọng.
Một số đề xuất phát triển khoa học và công nghệ ngành công nghiệp giấy giai đoạn tới
Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh trong lời phát biểu khai mạc Tọa đàm: “Hoạt động khoa học công nghệ với định hướng trước hết là phải đồng hành và tiến tới từng bước đột phá trong sự phát triển của toàn ngành. Để làm được như vậy cần có những định hướng cụ thể về KHCN và tầm nhìn xa hơn, đóng góp cho sự phát triển của ngành giấy, tiến tới ứng dụng những công nghệ then chốt, tạo động lực phát triển cho ngành, đồng thời nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của công nghệ tiên tiến khi tiếp nhận đầu tư nước ngoài. Các nhiệm vụ KHCN cần được xây dựng và triển khai thực hiện phù hợp với tình hình mới, tăng cường chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, tạo ra giá trị gia tăng cho ngành, đặc biệt là lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học để bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao tính cạnh tranh cho toàn ngành hay bao bì giấy thân thiện môi trường, là những thế mạnh của ngành giấy”.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Hoàng Trung Sơn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam nêu ý kiến: “Sự hỗ trợ về công nghệ của Bộ Công Thương trong thời gian qua đối với ngành công nghiệp giấy rất đáng ghi nhận. Những nhiệm vụ KHCN quy mô lớn đã và đang được thực hiện, đã góp phần kịp thời hỗ trợ tháo những khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn không đủ điều kiện để triển khai ứng dụng khoa học công nghệ cho sản xuất kinh doanh, đồng thời đã tạo động lực cho ngành về tăng cường ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh và có cơ sở để lạc quan hơn về triển vọng của ngành. Nhiều vấn đề của ngành giấy không thể giải quyết thiếu ứng dụng KHCN, như các giải pháp, chính sách về giấy thu hồi, tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp giấy, các giải pháp xử lý môi trường, tiếp cận thông tin và truyền thông”.
Ông Ngô Tiến Luân – Trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết: “Tổng Công ty Giấy Việt Nam là doanh nghiệp vốn nhà nước duy nhất của ngành. Hiện nay tuy không phải là doanh nghiệp có sản lượng giấy lớn nhất, nhưng lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Tổng công ty liên quan đến nhiều ngành nghề, như trồng rừng, chế biến gỗ, sản xuất bột giấy và giấy, sản xuất hóa chất. Từng là đơn vị chủ quản của hai viện nghiên cứu, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Công Thương và Nhà nước. Tuy nhiều kết quả nghiên cứu cần tiếp tục phải triển khai, nhưng các nhiệm vụ nghiên cứu đã có những đóng góp thiết thực cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Với dây chuyền sản xuất vận hành trong gần 30 năm qua, nhu cầu cải tiến công nghệ, ứng dụng công nghệ mới để duy trì và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh là tất yếu, như cải tạo giống cây nguyên liệu, nâng cao năng suất và hiệu quả kỹ thuật trồng rừng, cải tiến hệ thống thu hồi hóa chất và nhiệt, điện, xử lý nước thải và tận dụng chất thải rắn, các giải pháp về điều khiển tự động hóa, ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng bột giấy, giấy và cải thiện quá trình vận hành. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của đội ngũ khoa học công nghệ trong và ngoài nước”.
PGS.TS. Lê Quang Diễn – Giảng viên chuyên ngành Kỹ thuật Xenlulo – Giấy, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng: “Doanh nghiệp cần phải chủ động và tự lực hơn nữa trong ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, với sự hỗ trợ của các nhà khoa học. Các định hướng khoa học và công nghệ trong thời gian tới cần phải hướng tới xây dựng những nhiệm vụ thiết thực, khả thi nhằm khai thác những thế mạnh của ngành công nghiệp giấy phục vụ nhu cầu cho toàn ngành và xã hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng và cần thiết là phát triển công nghệ sản xuất bao bì giấy thân thiện môi trường thay thế túi nilong, ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, tận dụng chất thải công nghiệp giấy để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. Tuy vậy, đội ngũ KHCN và cơ sở vật chất nghiên cứu KHCN còn rất hạn chế, sự phối kết hợp giữa các nhóm nghiên cứu, các cơ quan KHCN và doanh nghiêp còn hạn chế. Cần tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển và ứng dụng công nghệ là một trong những vấn đề then chốt của ngành giấy để đáp ứng tình hình thực tế hiện nay.”
Bên cạnh các định hướng về nghiên cứu KHCN, các đại biểu tham dự cũng đề xuất một số chính sách để phát triển ngành giấy giai đoạn tới. Theo đó, cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ xây dựng cơ chế, chính sách giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước quản lý thống nhất, có hiệu quả đối với toàn ngành, đồng thời hỗ trợ, định hướng kịp thời cho các doanh nghiệp. Đẩy mạnh việc xây dựng các biện pháp kỹ thuật phù hợp (quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp) với Tổ chức Thương mại thế giới, Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại và pháp luật Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm bột giấy và giấy.
Tổng kết các ý kiến tham luận của các thanh viên tham dự Tọa đàm, một số đề xuất phát triển KHCN ngành công nghiệp giấy giai đoạn tới, đi đôi với những nhiệm vụ hỗ trợ giải quyết những vấn đề bức thiết của doanh nghiệp ngành giấy, như nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm, tận dụng chất thải, tiết kiệm năng lượng, cần có những định hướng phát triển công nghệ tiếp cận với những vấn đề chung của cả nước, với xu hướng của thế giới, cụ thể là 09 định hướng chính:
  • Chính sách quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, thu hồi tái chế và quản trị doanh nghiệp.
  • Ứng dụng Công nhệ sinh học, vật liệu mới, vật liệu nano trong công nghiệp giấy;
  • Ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0;
  • Xử lý và tận dụng chất thải công nghiệp giấy;
  • Vật liệu, bao bì giấy thân thiện môi trường thay thế túi nilong;
  • Vật liệu mới trên nền xenlulo;
  • Giấy đặc biệt ứng dụng trong thực phẩm, bảo an và phục vụ an ninh quốc phòng;
  • Sản phẩm giấy và vật liệu xơ sợi phòng chống covid và biến đối khí hậu;
  • Thiết bị và hệ thống tái chế giấy, năng lượng sinh khối;
Ông Trần Việt Hòa cũng nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất và tham gia tích cực các hoạt động KHCN phục vụ chính doanh nghiệp của mình và toàn ngành, tạo ra động lực cho phát triển KHCN của ngành công nghiệp giấy, liên kết cùng phát triển với các ngành công nghiệp khác. Các nhiệm vụ Khoa học Công hướng tới tất cả các đối tượng, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển đội ngũ KHCN, phát triển thương hiệu và uy tín quốc tế. Ngoài tạo ra các sản phẩm KHCN ứng dụng kịp thời phục vụ phát triển của doanh nghiệp, các hoạt động KHCN hướng tới chủ động được nguồn nguyên vật liệu trong nước, làm chủ công nghệ trong bối cảnh của những diễn biến phức tạp của dịch bệnh và khủng hoảng toàn cầu, đồng thời giữ vững vị thế cân bằng của khối doanh nghiệp trong nước trước làn sóng đầu tư FDI. Cần tăng cường nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng lớn, sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước”.
Kết luận tại Tọa đàm, Bộ Công Thương đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến của chuyên gia là cơ sở để Bộ Công Thương xây dựng định hướng nghiên cứu KHCN cụ thể cho ngành giấy trong giai đoạn 2021-2025, xa hơn nữa đến 2030.
Nguồn: khcncongthuong.vn

Công nghiệp Giấy Việt Nam – Triển vọng và Thách thức

Tại Việt Nam, ngành công nghiệp giấy có sự đóng góp đáng kể cho sự phát triển của nền kinh tế, âm thầm đồng hành phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất như: Sản xuất bao bì, dùng trong bao gói sản phẩm… cộng hưởng để phát triển các ngành kinh tế khác như: Trồng rừng, khai thác gỗ rừng trồng của lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc và hỗ trợ người trồng rừng… Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, các chuyên gia cho rằng ngành công nghiệp giấy ở Việt Nam có nhiều dư địa và tiềm năng để phát triển, song cũng đang đứng trước không ít khó khăn và thách thức.

Thực trạng và triển vọng phát triển công nghiệp giấy Việt Nam

Mặc dù không phải là một trong những ngành công nghiệp trọng yếu, nắm giữ vị trí then chốt của nền kinh tế, song các sản phẩm đại diện của ngành giấy như: Bột giấy, giấy in, viết, tissue… lại là những sản phẩm thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người dân. Những năm gần đây ngành công nghiệp giấy tại Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ thông qua việc các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngành đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đồng hành phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất và cộng hưởng để phát triển các ngành kinh tế khác. Đối với xã hội, ngành giấy hiện đang cung cấp nhiều sản phẩm với mục đích đa dạng: Hoạt động văn hoá xã hội, hoạt động giáo dục hay hoạt động sản xuất, nghiên cứu và cung cấp nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng.

Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông kỹ thuật số đã dẫn đến sụt giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo, nhưng cũng mang đến sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc giấy bao bì, hộp giấy (do là sản phẩm phụ trợ của nhiều sản phẩm, phục vụ việc bán hàng online và giao hàng trực tiếp). Bên cạnh đó, những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu của nước ta tăng trưởng cao cũng đã và đang kéo theo sự gia tăng mạnh về nhu cầu giấy làm bao bì, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện, thiết bị điện tử…

Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm gần đây, ngành Giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm, trong lĩnh vực này đã có những dự án đầu tư công suất lớn đang hoạt động (400-500 nghìn tấn/năm); một số doanh nghiệp đang dự kiến đầu tư dự án có công suất trên 1 triệu tấn giấy bao bì/năm. Với nhu cầu gia tăng mạnh và vai trò đa dạng đối với kinh tế, sản xuất của ngành giấy đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.


Ảnh minh họa: Nguồn internet

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), năm 2019 tiêu dùng bao bì giấy trong nước ước tính đạt 4,2 triệu tấn, xuất khẩu đạt 0,8 triệu tấn. Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu giấy của Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng ấn tượng trên 200%/năm.

7 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng giấy sản xuất ước tính đạt hơn 2,79 triệu tấn, tăng 12,2% (trong đó: Giấy bao bì chiếm tỷ trọng lớn 97,8%, sản lượng đạt 2,73 triệu tấn, tăng 13,5%; Giấy tissue, sản lượng đạt 165 nghìn tấn, tăng 33,3%; Giấy in – viết, sản lượng đạt 169 nghìn tấn, giảm 11,4%).

Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 và các biện pháp dãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế – xã hội bị đứt gãy, ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của nền kinh tế nói chung, ngành Giấy nói riêng. Tổng khối lượng tiêu dùng trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 2,99 triệu tấn và giảm 2,45% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Giấy bao bì tiêu dùng đạt 2,34 triệu tấn, giảm 2,1%; Giấy in báo tiêu dùng đạt 21,24 nghìn tấn, giảm 26,7; Giấy in, viết, tiêu dùng đạt 368,4 nghìn tấn, giảm 8,5%; Tổng lượng giấy tiêu dùng giảm trong những tháng đầu năm 2020 vừa qua phần lớn là do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Tổng khối lượng giấy xuất khẩu trong 7 tháng năm 2020 đạt 933,2 nghìn tấn, tăng 100,6%, so với cùng kỳ năm 2019. Giấy bao bì, giấy tissue xuất khẩu tăng trưởng mạnh, trong khi đó giấy in, viết, giấy vàng mã giảm. Trong đó, giấy bao bì, xuất khẩu đạt 859 nghìn tấn, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện Việt Nam xuất khẩu giấy bao bì đến 33 quốc gia và 5 châu lục, trong đó châu Á chiếm tỷ trọng lớn nhất 98,9%, kế đến là châu Phi 0,5%, châu Úc là 0,4%, châu Mỹ và châu Âu chiếm tỷ lệ 0,2%.

Tổng khối lượng giấy nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 1,11 triệu tấn, giảm 1,5% so với cùng kỳ 2019. Giấy tissue, giấy khác (đặc biệt) và giấy in, viết tăng, trong khi đó giấy in báo, giấy bao bì giảm và giấy in tráng phủ giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể thấy, ngành công nghiệp giấy nước ta hiện được đánh giá là ngành có nhiều cơ hội và còn nhiều dư địa để phát triển. Các kết quả khảo sát cho thấy, hiện tiêu thụ giấy bình quân của Việt Nam rất thấp, mới đạt 50,7kg/người/năm so với mức tiêu thụ bình quân của thế giới là 70kg/người/năm, Thái Lan 76 kg/ người/   năm, Mỹ và EU 200 – 250 kg/ người/năm… do vậy, nhu cầu tiêu thụ giấy các loại của Việt Nam còn khá lớn. Thị trường giấy Việt Nam còn nhiều khoảng trống, đặc biệt là phân khúc sản phẩm giấy bao bì cao cấp (tráng phủ), hiện Việt Nam chưa sản xuất được mà phải nhập khẩu hoàn toàn.

Bên cạnh đó, việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt như: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dự kiến sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành giấy và bao bì của Việt Nam. Ngoài ra, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang diễn ra do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và đặc biệt là sự ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. Việc phát triển mới và đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất hàng hóa tại Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng về tiêu dùng cho ngành Giấy, đặc biệt là giấy bao bì để đóng hộp cho hàng hoá xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2020.

Việc thúc đẩy đầu tư công và giải ngân vốn cũng như các chính sách kích thích tiêu dùng nội địa của Chính phủ sẽ kéo theo tăng trưởng tiêu dùng giấy bao bì, giấy in, viết và giấy tissue. Đây cũng là một lợi thế lớn đối với sự phát triển của ngành công nghiệp giấy thời gian tới.

Ngoài ra, Việt Nam là quốc gia có nguồn dăm gỗ – làm nguyên liệu cho sản xuất bột giấy khá dồi dào; chi phí nhân công, mặt bằng còn thấp… cũng sẽ tạo thêm những lợi thế tích cực để ngành công nghiệp Giấy có được sự phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Khó khăn, thách thức và một số giải pháp phát triển công nghiệp giấy tại Việt Nam

Tiềm năng là rất lớn song ngành công nghiệp giấy trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, các yêu cầu về cải tiến công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, giảm sử dụng hóa chất, đáp ứng các quy định về môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của công nghiệp giấy đang đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhiều nỗ lực nhằm cải tiến trong sản xuất và thu hút đầu tư hơn nữa.

Bên cạnh đó, hiện nay quy hoạch ngành giấy của nước ta đã hết hiệu lực, chưa có chiến lược phát triển ngành. Các văn bản liên quan chưa rõ ràng cụ thể, cơ sở cho các nhà đầu tư còn thiếu nên các dự án đầu tư trong ngành giấy Việt Nam còn có sự lệch lạc và mất cân đối trong cơ cấu sản phẩm và quy mô công suất của toàn ngành. Các chính sách quản lý trong nước đối với ngành công nghiệp giấy hiện còn nhiều điểm chưa khuyến khích phát triển ngành, sự cạnh tranh khốc liệt trong thị trường nội địa và xuất khẩu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao…

Ngoài ra, việc đầu tư vào ngành công nghiệp giấy Việt Nam còn manh mún, không tập trung, quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị cũ; chủ đầu tư là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 90% số lượng và 60% năng lực sản xuất), năng lực tài chính còn hạn chế; liên kết doanh nghiệp trong ngành yếu, không hình thành được các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Hiện nay, nguồn cung giấy phế liệu trong nước (giấy thu hồi – giấy tái chế) không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất nội địa, hầu hết các doanh nghiệp phải nhập khẩu số lượng lớn phục vụ cho sản xuất. Theo ước tính sơ bộ, tỷ lệ thu gom giấy tại Việt Nam chỉ đạt dưới ngưỡng trung bình thế giới, khoảng dưới 40% trước khi đưa vào phân loại và xử lý. Trong khi đó, công tác quản lý giấy thu hồi nhập khẩu lại gặp phải không ít thách thức… gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất giấy bao bì).

Trước những hạn chế và khó khăn trên, thời gian tới để đẩy mạnh phát triển công nghiệp giấy, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hoàn thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giấy trong nước phát triển bền vững. Theo đó, cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành giấy Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2045 thay cho “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2020, có xét đến năm 2025”.

Tập trung phát triển sản xuất các chủng loại sản phẩm thông thường, có nhu cầu lớn như: Bột giấy, giấy bao bì, giấy tissue; ưu tiên đầu tư các dự án quy mô, công nghệ tiên tiến, hiệu suất cao, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu năng lượng, thân thiện môi trường… từ đó tạo sức bật cho Ngành nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Giải quyết sớm vấn đề thiếu hụt nguyên liệu cho ngành giấy, đặc biệt là nguyên liệu giấy thu hồi, bằng cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành giấy trong việc nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất. Tham khảo chính sách quản lý nhập khẩu giấy phế liệu từ các quốc gia khác, tính toán cân đối với sự phát triển kinh tế trong thời điểm hiện tại của Việt Nam để đưa ra định hướng chính sách phù hợp.

Xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm trong ngành, đặc biệt về thu gom và tái chế giấy. Coi giấy tái chế là hàng hóa thông thường làm nguyên liệu sản xuất. Đây cũng là nguyên liệu đầu vào trọng yếu của ngành công nghiệp giấy, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Việc tận dụng giấy tái chế để sản xuất, giúp doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng, chi phí, chất thải rắn, nước thải so với sản xuất giấy từ bột nguyên sinh, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí do giá thành phế liệu thấp, giảm thiểu chi phí xử lý môi trường… Do đó, cần có chính sách nhằm nâng cao tỷ lệ thu gom, tái chế giấy, giảm dần việc nhập khẩu giấy thu hồi cũng như nghiên cứu sớm hoàn thiện chính sách phát triển Ngành theo xu hướng các nước phát triển đối với sản xuất giấy… tạo điều kiện đầu tư mở rộng phát triển sản xuất.

Thu hút các dự án đầu tư nước ngoài sản xuất giấy sử dụng công nghệ cao, đặc biệt đối với các dự án đầu tư các sản phẩm giấy trong nước chưa sản xuất được. Hạn chế các dự án sản xuất các chủng loại sản phẩm mà doanh nghiệp ngành giấy trong nước sản xuất được. Khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và tại các khu vực có điều kiện tự nhiên và môi trường phù hợp.

Tuyên truyền, nâng cao sự quan tâm của xã hội đối với ngành công nghiệp giấy, bởi công nghiệp giấy là một trong những ngành sản xuất tuần hoàn, có tính tái tạo cao và có ý nghĩa quan trọng, gắn liền với sự phát triển của nhiều ngành như lâm nghiệp, nông nghiệp, hóa chất, in, bao bì và cơ khí chế tạo./.